Trên các nhóm mạng xã hội về giao thông gần đây xuất hiện tranh cãi với 2 luồng ý kiến khác nhau khi thấy ô tô đi sát lề đường bên phải trong làn hỗn hợp.
Cụ thể, tài khoản M.L đăng tải hình ảnh một ô tô biển số TP.HCM đi sát lề đường bên phải, một số xe máy phía sau phải đứng sau đuôi ô tô, không vượt lên được dù phía trước còn khoảng trống đủ cho xe máy.
Người này viết: “Trời nắng nóng, các anh ngồi trong điều hòa mát rồi thì đừng bon chen giành đường với xe 2 bánh”.
Chủ bài đăng giải thích, xe ô tô này chạy từ dưới lên rồi lách qua phải rồi dừng chờ đèn. Sau đó, xe này lại vượt phải lên rồi vào lại làn để chạy trước các xe đang xếp hàng làn ngoài.
Bài đăng nhận nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Tài khoản Hau Thanh nêu, ở cầu vượt ngã tư Bình Phước đến ngã tư Gò Mây ô tô giành đường xe máy ở làn hỗn hợp “là đặc sản”. Không còn chỗ di chuyển, xe máy phải leo lề. Nickname Trương Hạnh Phúc bày tỏ: “Cứ đường đông lên là sẽ phân biệt được ý thức của tài xế liền… Không cần biết đường mấy làn, cứ còn chỗ là nhấn đầu vô thôi”. Facebooker Tín Trần ngao ngán: “Chắc xe hư máy lạnh rồi nên cần tranh thủ”. Nhiều người khác cũng cho rằng, trường hợp đi đường… gặp hoài, chán chả buồn nói”.
Ở luồng ý kiến ngược lại, anh Nguyễn Anh Minh phản bác: “Làn hỗn hợp thì người ta chạy, nhiều người đi xe máy ngáo ngơ không biết gì cả”. Đồng quan điểm, anh Trần Tuấn nêu quan điểm, nếu đây là làn hỗn hợp, không có bảng cấm thì không có cớ gì để lên án xe ô tô. “Nói và làm việc theo pháp luật. Va quẹt vô xe đó mấy xe máy đền ốm chứ không đùa”, anh Tuấn nói. Một tài khoản khác phân tích: “Đi sau thì xếp hàng chứ ở đâu ra cái luật là đường hỗn hợp thì làn phải nghiễm nhiên cho xe máy vậy?”.
Facebook tên Royal A Club chia sẻ: “Không phải cái gì cũng cần bảng hay luật, mà cần phải nhìn sự việc và sống biết điều một chút. Đó gọi là văn hóa trong giao tiếp với xã hội”.
Chưa dừng lại, anh Trương Quốc Tú cho rằng, đi đường kẹt xe rồi ô tô lấn vào cúp đầu các xe máy đi trước như vậy là không hợp lý.
Ai đúng, ai sai?
Chia sẻ quan điểm về nhận định trên, lãnh đạo một đội CSGT cho biết, luật Giao thông đường bộ quy định, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Làn đường hỗn hợp có thể hiểu là làn đường mà nhiều các loại phương tiện giao thông đường bộ như: xe đạp, xe máy, ô tô, xe buýt, xe tải… được di chuyển cùng lúc.
Tuy nhiên, CSGT cho rằng, tình huống xe ô tô đi sát lề đường bên phải ở làn hỗn hợp vẫn còn diễn ra tại TP.HCM.
“Một số lái xe ô tô lợi dụng vạch đứt để khi xe đông thì chạy vào làn xe máy và mở đèn xi nhan. Gặp CSGT kiểm tra thì tài xế giải thích chuẩn bị tấp vào lề nên CSGT rất khó xử lý. Về luật, làn hỗn hợp thì ô tô và xe máy đi chung; nhưng ở góc độ văn hóa giao thông thì ô tô nên đi sát về phía bên trái, xe máy đi sát bên phải để bảo đảm an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông”, CSGT nêu ý kiến.